Phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở đô thị đang là câu chuyện nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Bởi thời gian gần đây, những vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng thường xảy ra khiến người dân sống tại những khu vực ngõ nhỏ, chật chội luôn sống trong bất an.

Chỉ chưa đầy 1 năm, Hà Nội xảy ra hai vụ cháy lớn. Tháng 9/2023, chung cư mini ở Khương Đình (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Hôm 24/5 vừa qua, một vụ hỏa hoạn khác xảy ra trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy khiến 14 người chết, 6 người bị thương.

Hai vụ đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng phòng cháy khó tiếp cận. Các vụ hỏa hoạn đã khiến nhiều người dân sống trong những con ngõ nhỏ đang cảm thấy bất an vì hỏa hoạn hơn bao giờ hết, vì khi xảy ra cháy to thì xe cứu hỏa không có lối vào, người dân cũng không biết chạy đi đâu.

“Lo lắm chứ, giờ không để ý, không cẩn thận một cái là cháy ngay. Ngõ thì nhỏ hẹp, dây điện chằng chịt, đã thế giờ mùa hè nhà nào cũng bật điều hòa cả ngày, chỉ hơi chủ quan một chút cháy nổ ập đến liền. Đường ngõ ngách như thế này, xe máy đi vào còn khó khăn nói gì đến xe cứu hỏa” – một người dân tại Ba Đình nói.

Ngõ nhỏ Hà nội, nguy cơ cháy và công tác chữa cháy

Dây điện chằng chịt tại một con ngõ nhỏ tại đường Đê La Thành, quận Ba Đình

Sau nhiều vụ cháy nổ liên tục xảy ra, dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì phải chịu thiệt hại nặng nề cùng nỗi mất mát to lớn vẫn là người dân. Bởi vậy, việc tăng cường phòng cháy chữa cháy, nâng cao ý thức và xử lý tình huống khi hỏa hoạn xảy ra là điều vô cùng cấp bách ở thời điểm hiện tại. Và câu hỏi được người dân đặt ra là: “ Phải làm gì để phát hiện cháy trong nhà và cần chú ý những gì để tránh hỏa hoạn xảy ra ?”

Để phòng cháy thì các gia đình cần trang bị các thiết bị báo cháy sớm để sớm phát hiện khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Hiện nay, có hai dòng thiết bị được ứng dụng phổ biến là: Hệ thống báo cháy có dây (hệ thống chữa cháy thông thường) và hệ thống báo cháy không dây.

Hệ thống báo cháy có dây: Gồm tủ trung tâm; thiết bị cảm biến báo cháy khói nhiệt, nút ấn bằng tay; thiết bị cảnh báo như chuông, còi đèn...

Hệ thống này hoạt động nhờ dây nối các đầu nhận tín hiệu về hệ thống tủ trung tâm. Ưu điểm là vận hành ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm là số lượng dây lắp đặt lớn, phức tạp, khó xác định chính xác vị trí cháy để có phương án chữa cháy hiệu quả.

Hơn nữa, độ nhạy của các loại đầu dò khói được mặc định, không thể điều chỉnh nên có thể xảy ra sự cố báo cháy giả ở một số môi trường đặc biệt. Khả năng liên kết với các hệ thống khác của công trình khá hạn chế. Hệ thống báo cháy có dây chỉ thích hợp lắp đặt cho ngôi nhà ngay từ khi đang xây dựng.

Hệ thống báo cháy không dây: Gồm thiết bị cảm biến báo khói, báo nhiệt, bộ xử lý trung tâm, thiết bị cảnh báo sẽ liên kết với nhau bởi tín hiệu không dây. Hiện trên thị trường có hai loại thiết bị báo cháy không dây phổ biến là sử dụng kết nối wifi và sử dụng mạng viễn thông.

Theo đó, tại nhà thông minh (smart home) thường sử dụng thiết bị báo cháy tự động thông qua kết nối với wifi. Các thiết bị đầu nhận tín hiệu được duy trì hoạt động bằng pin, kết nối với điện thoại. Khi phát hiện có khói, nhiệt độ tăng, các đầu nhận tín hiệu sẽ báo về tủ trung tâm qua hệ thống wifi và hệ thống báo cháy gồm đèn, chuông sẽ được kích hoạt. Đồng thời, sẽ gọi điện thoại, gửi tin nhắn cảnh báo đến điện thoại của chủ nhà, các đơn vị phòng cháy chữa cháy.

Vì không dây nên hệ thống báo cháy này dễ dàng lắp đặt cho những ngôi nhà đã hoàn thiện và đang ở. Tuy nhiên, hệ thống cũng có những hạn chế như tốn chi phí duy trì (thay pin), phải thường xuyên kiểm tra định kỳ cũng như phải có hệ thống wifi ổn định.

 

Nguồn: Báo Vnexpress

TAGcảnh báo cháybáo cháy thông minh, thiết bị báo cháy thông minhbáo cháy không dâyđầu báo cháyđầu báo nhiệtđầu báo cháy quang điệnbáo cháy thông minhhệ thống báo cháyhệ thống báo cháy thông minh, zigbee 4G,  PCCC144.