Sau mỗi vụ cháy, nổ, thực tế cho thấy trách nhiệm này không của riêng ai mà là của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng người dân.

Liên tiếp các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua gây thiệt hại đặc biệt nghiệm trọng về người và tài sản. Không ít người quan niệm rằng, việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là trách nhiệm của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, sau mỗi vụ cháy, nổ, thực tế cho thấy trách nhiệm này không của riêng ai mà là của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng người dân.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính 210,5 tỷ đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini xảy ra ngày 12/9/2023 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.

Những con số thống kê trên cho ta thấy toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của cháy nổ, nhưng cũng vừa cho ta thấy một nghịch lý đang diễn ra với công tác phòng chống cháy, nổ. Đó là ý thức của phòng chống chảy nổ của người dân vẫn còn thiếu và yếu. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định… Hàng loạt vụ cháy mà nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ bắt nguồn từ việc vô ý vứt viên than tưởng đã cháy hết vào hố rác chung cư, hoặc vứt mẩu tàn thuốc lá từ tầng cao xuống, hay để quên nồi cá kho trên bếp, quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà… Khi xảy ra cháy nổ thì mạnh ai nấy chạy, không có sự hỗ trợ đối với cộng đồng và những người sống xung quanh.

Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10): Coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính

Coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính

Mới đây, ngày 28/9/2023, tại Chương trình Phát động toàn dân phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, từ đó giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là về con người, bảo vệ tính mạng của người dân chính là bảo vệ an ninh con người, là mục tiêu cao nhất của bảo vệ an ninh trật tự, phát triển đất nước.

Phương châm ứng phó với  hỏa hoạn hiệu quả nhất chính là “phòng cháy hơn chữa cháy”. Cha ông ta đã dạy “nước xa không chữa được lửa gần”. Khi xảy ra cháy nhà, nhất là ở khu đông dân, lực lượng cứu hỏa dù có nhanh đến mấy cũng khó có thể dập cháy, cứu người ngay mà chủ yếu là chống cháy lan. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi người dân, gia đình phải thường xuyên và đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy.

Cháy nổ rất khó lường nên mỗi người dân cần luôn cảnh giác và phải lấy khâu phòng cháy là ưu tiên số một. Do đó, các cấp, các ngành quan tâm sâu sát hơn nữa; các hộ gia đình và mỗi người dân hợp tác, chủ động hơn nữa.

Theo lực lượng PCCC, mọi hoạt động PCCC đều phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải biết về PCCC để khi xảy ra cháy nhỏ, biết xử lý thì sẽ không có cháy lớn. Khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng thì không bao giờ lo cháy nữa, nếu có xảy ra cháy cũng sẽ xử lý kịp thời, không gây hậu quả lớn.

Đặc biệt, lực lượng chức năng khuyến cáo các hộ gia đình cần lắp đặt các thiết bị báo cháy sớm như: thiết bị báo cháy, đầu báo nhiệt, đầu báo cháy, báo cháy thông minh, hệ thống cảnh báo cháy, … để phát hiện cháy sớm nhất và có phương án xử lý đám cháy hoặc thoát nạn kịp thời.

Như vậy, có thể khẳng định, tinh thần cảnh giác, sự chủ động đề phòng, ứng phó với “hỏa tặc” của mỗi người, mỗi gia đình là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác PCCC, nhất là trong việc triệt mầm mống “hỏa tặc” từ sớm. Phong trào Toàn dân PCCC phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành "cánh tay nối dài" của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, khu dân cư. Vì vậy, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, mỗi người dân, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào Toàn dân PCCC, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác PCCC mới thực sự có những chuyển biến tích cực, hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đem lại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Phòng cháy, chữa cháy giỏi là thiết thực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đúng như khẩu hiệu hưởng ứng ngày  ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4/10.

 

Nguồn: Báo Lao Động

TAGcảnh báo cháybáo cháy thông minh, thiết bị báo cháy thông minhbáo cháy không dâyđầu báo cháyđầu báo nhiệtđầu báo cháy quang điệnbáo cháy thông minhhệ thống báo cháyhệ thống báo cháy thông minh, zigbee 4G,  PCCC144.